Thứ Tư, 4 tháng 2, 2009

Các giáo trình Tư pháp Quốc tế

Tư Pháp Quốc tế với tư cách là một môn học thì có thể khẳng định rằng đây là môn học khó. Tài liệu nghiên cứu Tư pháp quốc tế ở Việt Nam hiện nay không nhiều. Để học tốt môn Tư pháp quốc tế trong chương trình đào tạo cử nhân Luật, các học viên cần tham khảo những giáo trình sau:

1. Giáo trình Tư pháp Quốc tế - ĐH Luật Hà Nội - Tập thể tác giả (Ts.Bùi Xuân Nhự chủ biên) - NXB CAND

Giáo trình của ĐH Luật Hà Nội có thể coi là giáo trình phổ biến nhất trong các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những giáo trình có cách tiếp cận cũ nhất. Độc giả nếu chưa có khái niệm về tư pháp quốc tế sẽ cảm thấy khó hiểu khi tiếp cận ngay chương đầu tiên của cuốn sách. Cuốn giáo trình này cũng không phải là mẫu mực của một cuốn sách khoa học. Người ta rất hiếm thấy những trích dẫn nguồn trong cuốn sách này. Tuy nhiên nó lại được nhiều người xem như là đại diện của quan điểm chính thống về Tư pháp Quốc tế Việt Nam. Vì vậy, cuốn sách nên được đọc cẩn thận để có thể thấy được ưu và nhược điểm của nó. Sách được tái bản hàng năm và có thể mua dễ dàng tại nhà sách của trường ĐH Luật Hà Nội. Giá bìa: 38 nghìn (bản năm 2008)

2. Giáo trình Tư pháp Quốc tế - Khoa Luật ĐHQG Hà Nội

Kết cấu của cuốn giáo trình của Khoa Luật không khác nhiều so với giáo trình của ĐH Luật Hà Nội. Một số phần của 2 cuốn sách này được chia sẻ cùng nhau do cùng một tác giả viết. Độc giả có thể tìm thấy những thông tin cụ thể hơn về lịch sử hình thành các học thuyết Tư pháp quốc tế ở giáo trình của Khoa Luật. Và vì vậy, có thể đánh giá phần chung của Tư pháp quốc tế ở cuốn giáo trình này đem lại một cái nhìn khái quát và nhiều thông tin hơn giáo trình của ĐH Luật.
Nhược điểm lớn nhất của giáo trình của Khoa Luật là nó được viết trước năm 2005 (thời điểm BLDS 2005 được thông qua) nên chưa bắt kịp những cải cách pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp quốc tế Việt Nam do một loạt các văn bản mới điều chỉnh.

3. Tư pháp Quốc tế Việt Nam - Ts. Đỗ Văn Đại & PGS.Ts. Mai Hồng Quỳ - NXB ĐHQG TP HCM

Tư pháp Quốc tế Việt Nam của 2 tác giả Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ là cuốn sách có cách tiếp cận tương đối khác so với các giáo trình truyền thống như đã đề cập ở trên.

4. Tư pháp Quốc tế - Th.s Lê Thị Nam Giang - NXB ĐHQG TP HCM

Cuốn sách RẤT NÊN ĐỌC. Ở một khía cạnh nào đó, cuốn sách sự kết hợp giữa 3 cuốn vừa nêu trên. Cách trình bày khoa học, nội dung rõ ràng, các quan điểm tranh luận cũng được đưa ra khá đầy đủ, có tình huống tham khảo và câu hỏi kiểm tra nhận thức. Đây là tư liệu đọc hiểu dễ dàng dành cho sinh viên nhập môn.

5. Tư pháp Quốc tế - Nhà pháp luật Việt Pháp

Cuốn sách chủ yếu có tính tham khảo về các học thuyết, bổ trợ trong việc nghiên cứu Tư pháp quốc tế.